Tuesday, April 19, 2011

Học với giáo viên Vietsing24h

Học với giáo viên Vietsing24h chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào trường công lập Singapore năm 2011
Luyện thi đầu vào các trường công lập tại Singapore cùng giáo viên của Vietsing24h các môn Toán và Tiếng Anh.Đề nghị các vị phụ huynh và các em có yêu cầu xin liên hệ trực tiếp với đại diện của Vietsing24h tai Singapore để được tư vấn chi tiết.

Bài kiểm tra lớp 6 Toán – Tiếng Anh năm 2010

Bài kiểm tra lớp 6 Toán – Tiếng Anh năm 2010
Dành cho các phụ huynh và các cháu học sinh có nhu cầu tự kiểm tra trình độ trước khi tham dự kỳ thi vào các trường công lập tại Singapore.Mọi thông tin chưa rõ, xin mời liên hệ với vietsing24h tại Singapore để được giải đáp.

Về Vietsing24h Singapore

Về Vietsing24h Singapore

Khi thẩm phán cũng phải rơi nước mắt


Vụ con rể sát hại mẹ vợ: Khi thẩm phán cũng phải rơi nước mắt…

Đặng Huyền

đà LÂU KHÔNG ĐƯỢC ĐỌC MỘT BÀI VIẾT CẢM ĐỘNG TRÊN BÁO CÔNG AN.cẢM ƠN VÀ XIN PHÉP TÁC GIẢ ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN BLOG CÁ NHÂN NÀY.
mONG CUỘC ĐỜI CÓ NHIỀU TẤM LÒNG NHÂN HẬU NHƯ GIA ĐÌNH BỊ HẠI VÀ KẺ ÁC SẼ PHẢI KHUẤT PHỤC TRƯỚC LÒNG BAO DUNG ĐÓ.
TIN LÀ NHƯ THẾ.

Lương Trọng Nam cúi đầu khóc sau khi bị tuyên án tử hình.

Nạn nhân, một cụ bà 68 tuổi đã bị sát hại dã man bởi bàn tay của chính người con rể cũ mà bà yêu thương như con đẻ. Nhưng khi ra tòa, những người con của cụ không những không nhận bất cứ một đồng tiền bồi thường nào mà còn nhiều lần đứng lên xin quý tòa khoan hồng cho bị cáo. Dù bị cáo đã tước đi mạng sống của người mẹ mà họ vô cùng yêu thương nhưng họ vẫn xin cho bị cáo còn có cơ hội được sống...
Tấm lòng vị tha, nhân hậu của gia đình người bị hại đã khiến tất cả những người tham dự phiên tòa xúc động. Không chỉ một mình bị cáo bật khóc nức nở, chắp tay tạ ơn gia đình người bị hại mà ở dưới phòng xử, còn có nhiều người rơi lệ. Ngay cả bà Trần Thị Đông Bích, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cũng nghẹn ngào lấy khăn lau nước mắt. Người cảnh sát làm nhiệm vụ dẫn giải bị cáo nói rằng, đã nhiều năm làm việc tại Tòa án, đã chứng kiến nhiều phiên tòa nhưng đây là một phiên tòa đặc biệt khi mà thay vì phẫn nộ, căm hận, gia đình người bị hại đã vị tha cho kẻ giết người...
1. Lương Trọng Nam trú tại tổ 5, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội năm nay 39 tuổi nhưng đã có 16 năm ở tù. Hai mươi tuổi, Nam kết hôn với chị Lê Thị Huệ và sinh được một đứa con trai. Một năm sau thì Nam đi tù 12 tháng về tội cố ý gây thương tích. 24 tuổi, Nam phạm tội trộm cắp và bị đi tù 3 năm. Ra tù, ít lâu sau, Nam lại phạm tội. Lần phạm tội thứ ba nặng hơn, Nam bị xử tù 12 năm về tội cướp tài sản.
Trong thời gian Nam thụ án, tình cảm vợ chồng phai nhạt. Chị Huệ bỏ Nam đi bước nữa và sinh tiếp một bé gái. Đứa con trai chung với Nam cũng vì thế mà không ở cùng mẹ, về sống với bà nội.
Đầu năm 2010, Nam được ra tù, về nhà với mẹ và con trai. Lúc này, Nam và chị Huệ mới chính thức ra tòa làm thủ tục ly hôn.
Nhưng đó là chuyện của Nam và chị Huệ. Còn đối với gia đình bà Sang, mẹ đẻ của chị Huệ thì Nam vẫn được coi như con rể, dù rằng đã là rể cũ. Chị Lê Thị Trâm, con gái lớn của bà Sang nói trong nước mắt: "Mẹ tôi quý Nam còn hơn con đẻ. Chị em tôi cũng vẫn đối xử với Nam thân tình như ngày xưa khi Nam và Huệ còn là vợ chồng". Bản thân Nam cũng thừa nhận, sau khi ra tù, dù hai vợ chồng đã đường ai nấy đi nhưng Nam vẫn thường xuyên qua lại nhà bà Sang chơi, gặp bữa thì ăn cơm, có việc gì thì xắn tay vào làm như vẫn là con trong nhà.
Ngay trước ngày xảy ra vụ án mấy ngày, khi chị Trâm bị ốm phải vào bệnh viện khám bệnh thì chị cũng tin tưởng nhờ Nam chở đi. Cả gia đình nhà bà Sang không ai xa lánh Nam dù khi ấy Nam đã mang trên mình 3 tiền án, vừa mới ra tù, không nghề nghiệp, không tiền bạc. Ngay cả bé gái con riêng của chị Huệ với người đàn ông khác trong lúc Nam đi tù khi ấy đã theo mẹ về sống tại nhà bà Sang, khi Nam xin phép muốn đón về nhà mình dự sinh nhật của con trai Nam, gia đình bà Sang vẫn tin tưởng Nam mà đồng ý.
Không có bất kỳ một mâu thuẫn nào ẩn giấu trong mối quan hệ của Nam với gia đình người vợ cũ trước ngày xảy ra vụ án.
Ấy thế nhưng, trưa ngày 10/7/2010, khi Nam xuất hiện tại nhà bà Sang thì chuyện đau lòng đã xảy ra. Sau này, Nam khai với Cơ quan điều tra rằng, trưa ấy Nam đạp xe xuống nhà bà Sang không phải để chơi như mọi khi mà mục đích để tìm vợ cũ. Cho dù hai người đã ly hôn nhưng đứa con trai chung vẫn là sợi dây ràng buộc. Nam cho rằng vợ cũ xao lãng việc chăm lo cho con đã lâu, nay sắp đến ngày sinh nhật con, Nam muốn tới nhắc nhở chị quan tâm đến con nhiều hơn.
Nhưng lúc đó chị Huệ đi vắng. Ở nhà, chỉ có mỗi mình bà Sang. Vẫn như mọi khi, bà Sang mở cửa cho Nam vào, pha nước cho Nam uống và trò chuyện bình thường. Không gặp được chị Huệ, Nam đem câu chuyện lẽ ra phải nói với vợ cũ để nói với bà Sang. Nam còn nói rằng, hai vợ chồng Nam ra cơ sự này thì người khổ nhất là đứa con và Nam vì thế rất muốn được nối lại tình cảm với vợ cũ. Bà Sang cũng đồng tình chỉ với một điều kiện, nếu hai vợ chồng tái hôn thì bà sẽ nuôi bé gái con riêng của chị Huệ, chỉ cần mỗi tháng Nam gửi cho bà 300 nghìn đồng tiền nuôi cháu. Không chấp nhận, Nam bực bội sẵng giọng với bà Sang: "Thế thì tôi đi về". Nghe vậy bà Sang cũng bực tức đáp lời: "Thế thì đừng bao giờ xuống đây nữa", nói đoạn bà Sang đứng lên đi ra cửa, Nam cũng đứng lên đi theo.
Khi bà Sang đi đến phòng ở gầm cầu thang, Nam thấy gần đó có con dao nhọn liền vơ vội rồi bất ngờ dùng tay trái siết cổ bà Sang, tay phải cầm dao cứa cổ nạn nhân làm nạn nhân tử vong tại chỗ.
Gây án xong, Nam đi xe đạp về nhà. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, bé gái con riêng của chị Huệ chơi ở hàng xóm về nhà phát hiện bà Sang nằm bất tỉnh trên vũng máu đã hoảng sợ thét lên chạy đi gọi hàng xóm.
Còn về phần Nam, sau khi gây án, thấy áo mình dính nhiều máu, Nam đã cởi bỏ và mở tủ lấy bừa một chiếc áo phông của con trai bà Sang mặc vào rồi bình tĩnh đạp xe trở về nhà. Buổi chiều cùng ngày, khi Cơ quan Công an còn đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm thủ phạm thì Nam đã chủ động tới xin được tự thú về tội ác của chính mình.
Đó là tất cả những gì được thể hiện trong bản cáo trạng và cơ bản thống nhất với lời khai của bị cáo tại phiên tòa. Nhưng con gái lớn của bà Sang, đại diện hợp pháp cho người bị hại thì tỏ ý không tin những điều Nam khai về nguyên nhân dẫn đến hành động tội ác. Chị nói rằng, mẹ chị vốn là người tốt bụng, lành hiền. Mẹ chị chưa bao giờ xin tiền bất cứ người con nào trong gia đình dù tất cả các con đều đã trưởng thành. Hơn nữa, xưa nay việc nuôi bé gái con riêng của chị Huệ cũng do mấy chị em gái trong gia đình chung tay góp sức mà không phiền đến đồng tiền của mẹ. Vì vậy, chị không tin việc mẹ chị đòi Nam chu cấp mỗi tháng 300 nghìn đồng tiền nuôi bé gái con riêng của chị Huệ.
Sau phần thẩm vấn buổi sáng, đến buổi chiều, trước giờ phiên tòa tiếp tục, chị đã khuyên Nam hãy thành khẩn, hãy trung thực khai rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết thảm của mẹ chị. "Thời điểm ấy, mọi chuyện thế nào chỉ có em và mẹ biết. Giờ mẹ đã chết rồi, chỉ còn một mình em. Chị muốn em hãy trung thực để linh hồn bà thanh thản và chị cũng đỡ đau lòng", chị nói trong ầng ậc nước mắt.
Nhưng Nam không khai khác. Nam vẫn một mực khẳng định chuyện bà Sang đòi tiền là có thật và nói rằng ngay bản thân Nam cũng không hiểu vì sao lại xuống tay tàn ác đến vậy với một người hàng ngày vẫn tốt với Nam. Ngay từ khi phiên xử bắt đầu, Nam luôn nói rằng mình có lỗi, mình là người mất nhân tính, mọi lỗi lầm là do Nam gây nên. Nam biện bạch, có thể vì lúc đó Nam vẫn còn say do uống rượu lúc ăn sáng...
2. Nhưng cho dù vậy thì những người con của bà Sang vẫn vị tha với Nam dù họ hoàn toàn có quyền căm phẫn Nam, có quyền đòi "mạng đổi mạng" như trong các vụ án tương tự. Thậm chí, trong vụ xét xử Vũ Thị Kim Anh, kẻ giết người tình trên xe Lexus, thì gia đình người bị hại không chỉ ném về phía bị cáo những lời thóa mạ mà ngay cả cha mẹ Kim Anh, khi kết thúc buổi xét xử đầu tiên đã phải run rẩy rời khỏi Tòa án trong hàng rào bảo vệ của lực lượng cảnh sát bởi sự căm phẫn của gia đình người bị hại không chỉ nhằm riêng vào Kim Anh.
Nếu như trong phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Nghĩa, bà mẹ đau khổ của Nghĩa đã nhiều lần chắp tay xin ông Ba, cha đẻ cháu Phương Linh hãy thương bà mà xin tha cho Nghĩa thì trong phiên tòa này, phía gia đình Nam không cần có bất kỳ sự van xin nào mà những người con của bà Sang vẫn nhiều lần đứng lên xin Tòa cho Nam cơ hội được sống để đứa con trai của Nam cũng là cháu ruột của họ còn có cơ hội được thấy cha. Số tiền làm đám ma cho bà Sang, theo gia đình tốn khoảng 40 triệu đồng nhưng các con của bà sau cùng cũng đã thống nhất không yêu cầu bị cáo phải bồi thường.
Ngay cả khi ông Lương Trọng Quang, anh trai lớn của bị cáo tại phiên tòa tha thiết được hỗ trợ tiền làm đám tang cho gia đình người bị hại bằng toàn bộ số tiền ông mang theo trong người lúc đó là 15 triệu đồng và luật sư của bị cáo - bà Nguyễn Phương Nam - lúc đó đã sẵn sàng giấy bút cho hai bên làm giấy trao - nhận. Nhưng các con của bà Sang cũng vẫn không. Chị Trâm, đại diện cho các con của bà Sang nói với ông Quang rằng, khoản tiền đó coi như họ đã nhận nhưng cho lại Nam để nuôi con. Giữa họ và Nam vẫn còn có một sợi dây máu mủ là đứa con trai Nam cũng là cháu ruột của họ.
Đầu giờ xét xử buổi chiều, Nam được dẫn giải tới phòng xử nửa tiếng trước khi Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc. Các con của bà Sang đến từ rất sớm, rầu rĩ đứng chờ ngoài hành lang Tòa án. Khi Nam được dẫn giải qua đây, hai bên gặp nhau, đứng đối diện ở một khoảng cách rất gần mà lực lượng bảo vệ phiên tòa không cần phải sử dụng bất kỳ một biện pháp bảo vệ nào. Nam một lần nữa chắp tay "xin các chị cho em được sống".
Người con gái cả của bà Sang tiến gần với Nam thêm chút nữa, nói mà như khóc: "Đằng nào mẹ cũng mất rồi, em làm ác em sẽ day dứt lương tâm. Còn chị, chị sẽ xin Tòa cho em". Các con của bà Sang theo Nam vào phòng xử, họ ngồi vây quanh Nam. Khi ấy Nam khóc và họ trong suốt cuộc trò chuyện ấy, tuyệt nhiên không lăng mạ Nam mà vẫn gọi Nam là "em" và xưng "chị".
Cuối buổi chiều, sau phần luận tội của vị đại diện Viện Kiểm sát, trước khi Tòa nghị án, khi được bày tỏ yêu cầu, nguyện vọng, các con của bà Sang vẫn xin Tòa khoan hồng cho Nam. Trước tấm lòng vị tha, bao dung của gia đình người bị hại, Nam lại một lần nữa bật khóc và từ vị trí tác nghiệp gần Hội đồng xét xử tôi nhìn thấy bà Đông Bích, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng lấy khăn lau nước mắt...
Nhưng cuối cùng thì bởi tội ác quá dã man mà Lương Trọng Nam vẫn bị tuyên án tử hình. Cho dù, trong suốt cả phiên tòa nhiều lần Nam nói lời ân hận và thú nhận, ngay sau khi gây án, trên đường đạp xe về nhà, Nam đã biết rằng tội ác của mình là khủng khiếp. Nhưng, bản án tử hình là cái giá phải trả thích đáng với tội ác.
Sau khi Tòa tuyên án, Nam ôm mặt, gục đầu nức nở. Không giống với các vụ án tương tự, nán lại ở bên Nam lúc này trong phòng xử không chỉ có gia đình bị cáo mà còn có cả gia đình người bị hại. Các con gái của bà Sang an ủi Nam như với một người thân: "Em đừng suy sụp, các chị sẽ làm đơn xin tha tội chết cho em". Tôi nghe giọng nói của họ dường như nghẹn lại. Nam ngẩng lên, nước mắt giàn giụa, chắp tay tạ ơn thêm một lần nữa