Tuesday, March 15, 2011

Nhật: Vì sao cướp bóc không xảy ra?


Nhật: Vì sao cướp bóc không xảy ra?
Ban đầu là thảm họa thiên nhiên, tiếp đó là cướp bóc, tình trạng này như mặc định từ nhiều thập niên. Tuy nhiên, ở Nhật sau động đất và sóng thần kinh hoàng, người dân dù tuyệt vọng vẫn giữ mọi việc theo trật tự.  
Người dân tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì trận động đất 9 độ richter và sóng thần lên tới 10m, hiện đang đối mặt với cảnh thiếu hụt nước uống và lương thực, song mọi người vẫn bình tĩnh.
"Khí đốt và nước đã bị cắt ở Miyagi và ở thành phố Sendai. Trong những trường hợp ngoại lệ hiếm có, điện cũng bị cắt", một nhân chứng đến Miyagi vài giờ sau động đất hôm 11/3 cho hay. "Tuy nhiên, không hề có hoảng loạn trên đường phố hay ở các cửa hàng". Thay vào đó, mọi người kiên nhẫn xếp hàng bên ngoài các cửa hiệu vốn đã hỏng toàn bộ cửa sổ kính và cửa ra vào. Để tránh tích trữ, các cửa hàng phân phát lương thực và nước uống cho từng người.
"Không ai tự động vào các cửa hàng, không món đồ nào bị cướp", các nhân chứng cho hay.
Khung cảnh trên đối lập hoàn toàn với những nơi khác từng trải qua thảm họa thiên nhiên. Tại Anh, trong trận lụt kinh hoàng năm 2007 ở West Country, Anh, nhiều xe cộ bỏ không đã bị đập phá, các thùng nước miễn phí bị đánh cắp. Cảnh cướp bóc cũng xảy ra tràn lan tại Chile trong trận động đất năm ngoái và tình trạng nghiêm trọng tới mức quân đội phải được triển khai để bảo vệ.
Tại New Orleans, Mỹ, trong thời kỳ bão Katrina, cảnh cướp bóc diễn ra ở mức độ kinh hoàng. Cảnh cướp xe diễn ra khắp nơi, bệnh viện bị tấn công và bắn nhau diễn ra ở nhiều nơi. Chiến dịch cứu hộ bị hủy vì tình hình an ninh không đảm bảo cho những người tình nguyện. Cảnh vệ quốc gia không thể tập trung vào nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vì họ còn bận giải quyết tình trạng cướp phá.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti, hiện vẫn còn chưa hồi phục sau trận động đất năm 2010, Tổng biên tập tờ Bangkok Post là Pichai Chuensuksawadi nhắc lại. "Ngay cả bây giờ trong các khu cứu hộ người sống sót, cảnh tấn công tình dục, cưỡng hiếp vẫn xảy ra do chính quyền Haiti không thể dọn sạch đống đổ nát do sự tàn phá gây ra từ hơn một năm trước đó". 
Các phóng viên của nhiều hãng tin trên khắp thế giới đang nói chuyện với nhau về sự trật tự đáng ngạc nhiên ở Nhật, về cách người Nhật đối phó với thảm họa.
"Ba ngày sau trận động đất 9 độ richter tàn phá Nhật, gây sóng thần trên toàn Thái Bình Dương, nổ ở nhà máy hạt nhân và hàng triệu người Nhật rơi vào cảnh tối tăm, đói khát trong giá lạnh, tôi vẫn chưa đọc được bản tin nào về tình trạng cướp bóc xảy ra ở nhiều nơi", nhà báo Frederico D. Pascual Jr của tờ The Philippine Star nói.
Gregory Pflugfelder, giám đốc trung tâm Donald Keene về Văn hóa Nhật tại trường đại học Columbia, nhận xét trên CNN rằng hiện tượng trên có lẽ bắt nguồn từ văn hóa Nhật. Ông nói, người Nhật cảm thấy có trách nhiệm đầu tiên và trước nhất với cộng đồng. "Cướp bóc không xảy ra ở Nhật. Tôi dám chắc chưa có một từ cướp bóc nào nói về Nhật lúc này". Pflugfelder có mặt ở Tokyo thời điểm động đất xảy ra nói, ông thấy mọi người vẫn xếp hàng rất trật tự tại ga tàu điện ngầm ngay cả khi nơi này bị đóng cửa trong vài giờ.
Nhà bình luận Ed West của tờ Telegraph của Anh cho biết, khung cảnh nhiều nơi ở Nhật hiện giống hậu quả thời Thế chiến II, không một quốc gia công nghiệp hóa nào kể từ đó từng hứng chịu con số tử vong lớn như vậy. Tuy nhiên, sự đoàn kết ở Nhật dường như đặc biệt mạnh mẽ và có lẽ điểm gây ấn tượng hơn cả về Nhật chính là sức mạnh xã hội còn lớn hơn cả sức mạnh công nghệ của nước này. Đó là, sau động đất, các siêu thị đều giảm giá hàng hóa, chủ các máy bán hàng tự động tặng nước uống miễn phí cho mọi người để cùng sinh tồn.
"Điểm đáng kể nhất là, sau động đất, tình trạng cướp bóc không hề xảy ra ở Nhật và điều này khiến rất nhiều người ngạc nhiên. Không cướp bóc, không hôi của, những gì đang diễn ra ở Nhật được đánh giá là khá kỳ lạ trong văn hóa nhân loại. Tại sao một số nền văn hóa lại đối phó với thảm họa bằng việc một người trở mặt với người khác vì lợi ích của mình, song những nơi khác, đặc biệt là người Nhật lại tỏ ra vị tha trong hoàn cảnh không may?"
Max Fisher, biên tập viên tờ The Atlantic nhận xét, "rất hiếm quốc gia được chuẩn bị kỹ càng". Động đất Nhật mạnh hơn động đất 2010 ở Haiti làm 200.000 người chết, 900 lần. Tuy nhiên, tới giờ, số người thiệt mạng chính thức mới hơn 2.000.
"Để được như vậy, Nhật dựa vào hai nguồn lực dồi dào: tiền và điều hành tốt. "Từ người lính, các nhân viên y tế được huấn luyện kỹ càng tới các bệnh viện dễ dàng hoán chuyển thành trung tâm đối phó với tình trạng khẩn cấp, khó kiếm được một khía cạnh nào trong đời sống công chúng Nhật lại không được chuẩn bị kỹ để đối phó với động đất và sóng thần".
  • Hoài Linh (Theo Telegraph, Dnews)